Thông tin do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công”, diễn ra sáng 18/4, tại Hà Nội. Đây là kết quả nghiên cứu ban đầu do Bộ KH&ĐT phối hợp cùng Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) thực hiện trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế thế giới 2023 đang đối diện với tình trạng “đa khủng hoảng”, từ gia tăng nợ công, lạm phát giá năng lượng và thực phẩm, đến ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi tất cả các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, trong đó tăng trưởng xanh (TTX) đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế trước những biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị
Trên thực tế, ngày càng nhiều quốc gia đã, đang và sẽ tham gia vào các “liên minh xanh” nhằm chuyển dịch sang nền kinh tế xanh thông qua các cam kết khu vực và toàn cầu. Điển hình là Liên minh châu Âu, với Thỏa thuận Xanh 2030 tập trung vào việc giảm thiểu khí thải carbon, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường vận chuyển xanh và khuyến khích các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các chính phủ và doanh nghiệp khác trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, cũng đang đầu tư vào các dự án phát triển xanh để đạt được các mục tiêu tương tự.
Theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ đô la Mỹ và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Cùng với tiềm năng về giải quyết việc làm và đóng góp đáng kể vào GDP, kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh…
Với Việt Nam, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Hơn 200 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, các nhà đầu tư, các học giả và các tổ chức phi chính phủ (NGO) tham dự Hội nghị
Để đạt được mục tiêu tại Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia vào năm 2050.
Trong đó, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả bốn yếu tố: Môi trường - kinh tế - xã hội – văn hóa vào năm 2045. Đây là những yếu tố nền tảng hết sức quan trọng để Việt Nam có thể phát triển bền vững, cân bằng và hài hòa.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong TTX để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo đại diện của đối tác tư vấn và đồng tổ chức Hội nghị, ông Jaime Ruiz-Cabrero, Tổng giám đốc BCG khu vực Đông Nam Á, các quốc gia dẫn đầu thế giới đang tăng tốc đẩy mạnh phát triển các công nghệ giải pháp nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sạch và ít các-bon. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam đón đầu xu hướng và trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ sạch trong khu vực và có thể toàn cầu.
BCG đưa ra 4 khuyến nghị chính cho Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa cơ hội, đó là: Hoàn thiện thể chế chiến lược xanh và đẩy mạnh xây dựng nền móng khuôn khổ pháp lý; Tăng cường xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giúp giảm chi phí vốn đầu tư; Phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo; Tăng tốc phát triển hệ sinh thái Hydro sạch.
Về kế hoạch hành động sắp tới, theo Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ sẽ ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về TTX thông qua xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ban ngành và địa phương để triển khai xây dựng danh mục các dự án TTX trọng điểm cũng như xây dựng và triển khai các công cụ tài chính xanh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới.
Tại Hội nghị, hơn 200 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, các nhà đầu tư, các học giả và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã cùng chia sẻ, thảo luận về những khó khăn, thách thức trước mắt cũng như trong dài hạn; các giải pháp nhằm tăng tốc TTX cho Việt Nam và đề xuất hướng tiếp cận phù hợp với bối cảnh trong nước và cam kết toàn cầu. Đây cũng là căn cứ góp phần giúp Bộ KH&ĐT định hình những quyết sách chính xác, khả thi cho lộ trình TTX tại Việt Nam.
Nguồn: Báo Tài Nguyên và Môi Trường