Hiện nay, khoản chi cho các hoạt động phá hủy hệ sinh thái là nhiều hơn so với các chi phí dành cho công tác bảo vệ. Vì vậy, Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia phải đầu tư bảo vệ nhiều hơn các hệ sinh thái toàn cầu.
Trước thềm Hội nghị về đa dạng sinh học toàn cầu sắp diễn ra, một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc cho biết, cộng đồng toàn cầu cần phải đầu tư nhiều hơn nữa, nâng cao quy mô và tốc độ thực hiện các cam kết bảo vệ thiên nhiên và ngăn ngừa mất mát các loài.
David Cooper, Phó Trưởng ban Thư ký điều hành Công ước Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học nhận định rằng các Bộ trưởng tham dự các cuộc họp trực tuyến trong tuần này cần thể hiện những tham vọng lớn hơn và đưa ra định hướng chính trị rõ ràng cho các nhà đàm phán, những người sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng ở Côn Minh vào tháng 5 năm sau.
Hình ảnh rừng nhiệt đới Amazon bị chặt phá ở Bang Rondonia, Brazil ngày 28/9/2021. (Ảnh: REUTERS/Adriano Machadoh)
Còn theo nhận định của các nhóm bảo vệ môi trường, không còn thời gian chậm trễ cho công cuộc bảo vệ môi trường sống và làm chậm tốc độ tuyệt chủng, đặc biệt là sau khi các Chính phủ không hoàn thành bất kỳ mục tiêu đa dạng sinh học năm 2020 nào đã được thống nhất ở Aichi, Nhật Bản một thập kỉ trước đó.
Tuy nhiên, ông David Cooper cho biết, mức độ khẩn cấp vẫn ở mức chưa đủ. Nguyên nhân là do nhiều quốc gia hiện nay đang dành các khoản chi nhiều cho các dự án hoạt động phá hủy hệ sinh thái hơn là chi phí dành cho công tác bảo vệ đa dạng sinh học.
Đứng trước nguy cơ đó, Liên Hợp Quốc mong muốn các quốc gia cam kết bảo vệ 30% diện tích đất đai của họ vào năm 2030, một cam kết đã được Hoa Kỳ và các nước khác đồng ý. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện cam kết, mặc dù đã thực hiện hệ thống "ranh đỏ bảo vệ hệ sinh thái" vốn đã đặt 25% phần lãnh thổ của nước này ngoài tầm kiểm soát của các nhà phát triển.
Theo đó, điều quan trọng là tất cả các quốc gia phải bảo vệ nhiều hơn các hệ sinh thái của họ, nhưng điều đó sẽ không đủ để khắc phục tình trạng mất đa dạng sinh học, đồng thời cho biết cần có nhiều cam kết hơn để quản lý 70% phần diện tích đất đai còn lại.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 toàn cầu đã chỉ rõ sự cấp bách mới trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, nhưng các kế hoạch phục hồi sau dịch bệnh chưa đề cập đến vấn đề này. Do đó, các quốc gia cần bảo đảm rằng các biện pháp phục hồi sau đại dịch không làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Nguồn: Hội Kinh Tế Môi Trường Việt Nam