Hotline : (0254) 3603 150

Thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Thứ ba, 18/09/2018, 13:46 GMT+7

Thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

 
 
Ngày 12/9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ tổ chức hội thảo các tổ chức xã hội năm 2018 với chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức xã hội và các đối tác trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân.

 

Để bảo vệ môi trường, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh phải ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế tiến tới khắc phục cơ bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

 

Thúc[-]đẩy[-]hợp[-]tác[-]bảo[-]vệ[-]môi[-]trường,[-]phát[-]triển[-]bền[-]vững
 
Trước nguy cơ suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước sông suối, Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam, Trưởng Ban điều phối mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho rằng, nước là khởi nguồn và duy trì sự sống của con người, là tồn vong và phát triển của dân tộc, quốc gia, là nền tảng quang trọng để đảm bảo sức khỏe, tạo ra công việc duy trì sinh kế cho con người và đảm bảo sự phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước, thực trạng hệ thống sông, hồ bị ô nhiễm, chất lượng nguồn nước bị suy giảm đã ở mực báo động, phần lớn do phải tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý. Cả nước có trên 200 khu công nghiệp, hàng ngày xả thải ra môi trường khoảng hơn 1 triệu mét khối nước thải, nhưng 75% chưa qua xử lý, đây là một thách thức cho sự phát triển kinh tế xã hội.
 
Những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 3 – 4 vụ ô nhiễm nước ở quy mô lớn và hàng trăm vụ quy mô nhỏ rải rác trên cả nước. Những vụ ở quy mô cực lớn, ảnh hưởng sâu sắc tới phát triển kinh tế Việt Nam như: Vụ ô nhiễm sông Thị Vải năm 2008, ô nhiễm biển miền Trung vào năm 2016… Đây là những thực tiễn đòi hỏi cải cách trong kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Chất lượng nước mặt của Việt Nam đang trên đà suy thoái nghiêm trọng, mức độ ô nhiễm nước mặt và nước ngầm ngày càng nặng nề.
 
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân, hiện nay công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, vai trò của các tổ chức xã hội chưa được đẩy mạnh, chưa huy động và khuyến khích nguồn lực khối tư nhân tham gia sâu rộng. Do đó, cần nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng và mở rộng các mô hình đã thành công trong quá trình triển khai thực hiện ở nhiều địa phương, khu vực như xây dựng phong trào bảo tồn cây di sản Việt Nam; mô hình quản lý đô thị; mô hình xử lý nước thải làng nghề; các dự án bảo tồn đa dạng sinh học; các mô hình sinh kế bền vững,…
 
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng; môi trường nước và sức khỏe cộng đồng; môi trường pháp lý và các mô hình quản trị tổ chức phi lợi nhuận để đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm huy động sự tham gia và đóng góp của tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 
TTXVN -TMT
Ý kiến bạn đọc